Miền Tây quanh năm ruộng lúa, sông nước xanh thẳm! Ở đây thì sản vật thiên nhiên thì đa dạng phong phú vô kể, nhưng đặc biệt có một loại đặc sản trốn trong bùn đó là con cá lóc.
Vị 1. Cá lóc nướng trui
Cá lóc rửa sạch, lựa con chừng 1kg là vừa. Xiên một thanh trúc hoặc thanh tre tươi vót sẵn từ miệng cá cho đến đuôi. Nhiều người còn dùng dao chặt bỏ phần đuôi cá, như vậy khi nướng chín phần bụng và xương cá sẽ không bị ứ máu, thịt cá sẽ không tanh khi để nguội. Sau đó cắm những thanh tre đã xiên cá xuống đất và phủ rơm khô lên, người nướng cá “có nghề” phải lượng sao cho rơm vừa đủ để khi rơm vừa tàn thì cá cũng vừa chín. Rơm dư thì cá khét hoặc chín quá, mất ngọt; rơm thiếu thì cá lại nhão, có mùi tanh…
Đụm rơm cháy đỏ ôm kín mình cá, tiếng mỡ nổ lốp bốp, thật sướng tai, sướng mũi vì cá lóc nướng trui có mùi thơm rất đặc trưng, không giống với loại cá nào khác. Mùi thơm tỏa ra từ lớp vẩy, thớ thịt và có cả mùi hơi khét của da. Cá chín đặt nguyên con lên tàu lá chuối, cạo bớt lớp vảy cá bị cháy, xẻ lằn dài theo bụng cá, mở ra làm đôi là ăn được.
Lấy miếng cá còn bốc khói cuốn với bánh tráng, rau sống, chấm vào nước mắm hoặc mắm nêm, bạn sẽ thấy thật sướng miệng khi mùi thơm, vị ngọt béo của cá hoà lẫn với các hương vị của khế chua, chuối chát, ăn hoài không ngấy. Nhai một cách chậm rãi để nghe bao nhiêu hương vị của rau cỏ, đồng ruộng như ngấm vào tận ruột gan, ăn một lần nhớ mãi.
Vị 2. Cá lóc nướng lá sen
Một món ăn khác, độc đáo không kém cá lóc nướng trui là cá lóc nướng lá sen, cái tên mà chỉ nghe thôi cũng cảm thấy tỏa mùi hương đất Nam Bộ. Nơi đây có những cánh đồng sen bát ngát, cá lóc táp mồi có lúc phóng nằm trên những lá sen. Thế là người dân miệt vườn sáng chế ra món cá lóc nướng lá sen đơn giản, không đòi hỏi nhiều công phu nhưng lại đậm đà hương vị miền sông nước.
Khác với những món cá lóc nướng khác, cá lóc nướng lá sen đặc biệt ở chỗ nước chấm. Mắm nêm nguyên chất có vị mặn và chát, phải pha thêm đường, bột ngọt, chanh, bằm nhuyễn thơm rồi dùng khăn vắt nước cốt dừa hòa chung cho sền sệt là được.
Cá được gói 2 3 lá sen to kín thân, xiên một que trúc và nướng trên bếp than hồng. Da cá được bọc lá nên không cháy khét như nướng trui, rưới mỡ hành cùng đậu phộng, cuốn với bánh tráng mỏng, các loại rau ghém, bún chấm nước mắm nêm tạo cho người ăn niềm thích thú riêng. Da cá vừa béo vừa giòn thoang thoảng hương sen, thịt cá rất ngọt hòa trong vị nước chấm đặc trưng… Không gì hấp dẫn bằng.
Vị 3. Canh chua cá lóc
Đây là một trong những món ăn đặc trưng mà người Nam Bộ từ thành thị đến nông thôn đều ưa thích.
Cá lóc làm sạch, cắt ra từng khúc to nấu với me, giá, bạc hà môn, ngò gai, cà chua… Phi thêm chút tỏi cho thơm. Ăn canh chua cá lóc muốn ngon thì nước chấm phải là nước chấm ngon nguyên chất, dầm ớt trái vào cho cay.
Tô canh chua cá lóc nóng nghi ngút, hấp dẫn với màu trắng của thịt cá, màu vàng của thơm, màu đỏ của cà, màu xanh của ngò gai… cùng lớp tỏi phi vàng nổi trên mặt khiến ta chỉ nhìn thôi cũng muốn ăn ngay!
Vị 4. Cá lóc khô
Cá lóc khô là món khiến bao anh chị em kén mồi phải nể phục bởi độ ngon đặc biệt của nó.
Phần phi lê thịt 2 bên cá được lóc ra, ngon nhất là cá lóc một nắng! Thịt cá phơi một nắng còn màu trắng của thịt, mềm, dai… Ướp với một vị mặn đặc trưng, xen lẫn vào vị ngọt tự nhiên của cá lóc đồng. Ăn cá lóc khô với ít cơm trắng nóng hay chén cháo trắng lại càng ngon hơn, hoặc cuối tuần làm đĩa mồi đơn giản này lai rai vài chai với ông bạn hàng xóm thôi cũng tuyệt vời lắm rồi!
Trên đây là bài viết giới thiệu riêng về món đặc sản Nam Bộ là con cá lóc, có thể thấy từ con cá lóc thôi mà người ta chế biến được rất nhiều món ăn ngon, hấp dẫn. Hy vọng qua bài viết bạn hiểu thêm về món ngon đặc sản của Nam Bộ!